Tháo điểm nghẽn logistics, thúc đẩy thương mại Việt Nam- Ấn Độ

(HQ Online) – Chiều ngày 30/3, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư – thương mại lĩnh vực logistics Ấn Độ- Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, tháo gỡ được điểm nghẽn logistics giữa hai nước sẽ gia tăng cơ hội thương mại song phương vượt mốc 15 tỷ USD.

Cảng biển Việt Nam ngày càng được đầu tư hiện đại, đón được siêu tàu lớn nhất thế giới

Đưa thương mại song phương vượt 15 tỷ USD

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, nhân dịp đoàn đại biểu cấp cao của Ấn Độ sang thăm Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics của Ấn Độ cùng đi mong muốn được tìm hiểu, trao đổi thông tin với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trong lĩnh vực logistics.

Thương mại song phương tăng trưởng đều với tốc độ cao từ mức 200 triệu USD năm 2000 lên trên 13 tỷ USD năm 2021, đưa Ấn Độ trở thành đối tác thương mại đứng thứ 8 của Việt Nam và tiệm cận mục tiêu kim ngạch 15 tỷ USD do lãnh đạo hai nước đặt ra.

Tuy nhiên, theo đại diện Ban IV, trong những năm qua, mặc dù giao thương giữa Việt Nam và Ấn Độ liên tục có bước phát triển vượt bậc, nhưng vẫn còn điểm nghẽn logistics khiến thương mại hai nước chưa đạt được mong muốn.

Dư địa hợp tác về logitics còn rất lớn, doanh nghiệp hai nước mong muốn sẽ hợp tác cùng doanh nghiệp Việt Nam khai thác, thúc đẩy cơ hội giao thương hàng hóa giữa hai nước.

Chia sẻ thông tin về định hướng phát triển logistics của Việt Nam, bà Đặng Hồng Nhung, Cục XNK- Bộ Công Thương cho biết, cuối năm 2022, Chính phủ đã có Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Trong đó, quan điểm là phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin; phát triển thị trường dịch vụ logistics, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dịch vụ logistics; phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực; phát triển logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, tháo gỡ vướng mắc về chính sách thuế, phí, lệ phí, giá dịch vụ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh các hoạt động tạo thuận lợi thương mại, cải cách thủ tục hải quan, giảm và đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chuẩn hóa hồ sơ, triển khai các cam kết tại Hiệp định về Thuận lợi hóa thương mại của WTO.

Đầu tư liên doanh trong lĩnh vực logistics

Với kinh nghiệm trực tiếp từ doanh nghiệp làm logistics, ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết, TPHCM và Bình Dương là hai địa phương phía Nam đang có nhiều dự án kêu gọi đầu tư về lĩnh vực logistics. Theo ông Thành, TPHCM đang có 7 dự án kêu gọi đầu tư xây dựng tác trung tâm logistics; Bình Dương có 5 dự án. Các nhà đầu tư có thể đầu tư vào tất cả các lĩnh vực logistcis của Việt Nam, trừ 2 lĩnh vực là dịch vụ xếp dỡ trong cảng và vận tải thủy nội địa, cần phải có lộ trình đầu tư.

Theo ông Đặng Vũ Thành, hiện nay hệ thống kho, bãi phục vụ logistics tại phía Nam chiếm 70% diện tích kho, bãi của cả nước. Trong những năm gần đây, có xu hướng dịch chuyển và thay đổi, nhiều kho bãi đang chuyển đổi công năng. Nghịch lý, nhu cầu đang tăng lên, nguồn cung có vẻ như đang giảm đi; phân bố manh mún, khá xa cửa ngõ quốc gia… đã tác động khiến giá dịch vụ logistics tăng lên.

“Với nhiều lợi thế, Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển hàng hóa mới của châu Á. Bởi vì, Việt Nam nằm trong tâm điểm giữa các trục vận tải lớn; thị trường có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm; Việt Nam cũng trở thành điểm thu hút đầu tư mới của châu Á…”- ông Thành chia sẻ.

Chia sẻ về cơ hội đầu tư logistics của doanh nghiệp hai nước, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng , Ấn Độ có bờ biển dài rất thuận lợi cho khai thác vận tải tuyến tàu biển. Hiện Việt Nam có tuyến vận tải biển trực tiếp sang Ấn Độ. Để tháo gỡ điểm nghẽ về logistics, công nghiệp đóng tàu của Việt Nam có thể hỗ trợ cho Ấn Độ, phát triển cảng biển; thành lập kho ngoại quan chung giữa Việt Nam- Ân Độ để giải quyết điểm nghẽn logistics hiện nay.

Ông Phạm Quốc Long, đại diện Gemadept cho biết, hệ thống cảng biển của Việt Nam ngày càng được đầu tư mở rộng đón các tàu lớn. Ngày 30/3/2023, Cảng Quốc tế Gemalink đã đón siêu tàu container M/V OOCL Spain với sức chở 24.188 TEU hàng hóa của hãng tàu OOCL trên chuyến hành trình đầu tiên kết nối Á – Âu.

Để phát triển thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ, ông Long kiến nghị, mở các tuyến tàu chung, hiện nay có tàu chạy từ TPHCM- Singapore, các doanh nghiệp cần khai thác chuyển tải hàng hoá từ tuyến tàu này. Bên cạnh đó, tăng cường các chuyến bay giữa hai nước; một số doanh nghiệp đang thiếu thuyền viên, cần có trung tâm đào tạo chung… Để hiệu quả, các doanh nghiệp nên đầu tư theo dạng liên doanh nhằm bổ trợ cho nhau về đầu tư kho bãi, cảng biển; thiết lập trung tâm công nghệ phần mềm…